Nấm hoàng đế – lời cảnh báo sự biến dạng đô thị
Triển lãm mỹ thuật trẻ Việt Nam lần thứ hai có chủ đề “Năng lượng cố đô” đang diễn ra tại TP. Huế (từ 13 – 19-3). Mang đến những cái nhìn mới lạ về cuộc sống, con người từ những họa sĩ trẻ, nhiều tác phẩm được trưng bày tại đây cũng đã tạo ra hiệu ứng xã hội. Tác phẩm “Nấm hoàng đế” của họa sĩ Trần Tuấn là một ví dụ.
>>”Nấm hoàng đế” xuất hiện bên bờ sông Hương
Trước khi tham dự triển lãm “Năng lượng cố đô 2013”, họa sĩ trẻ Trần Tuấn đã có hai tác phẩm “Khối u”, “Mây biến thể” được trưng bày tại triển lãm “Nặng bồng nhẹ tếch” – hưởng ứng Năm môi trường Thế giới 2012 và Festival Huế 2012. Nếu như ở tác phẩm “Khối u” sự biến thái được đặt vấn đề một cách chung hơn, trong đó tác giả cũng gợi đến sự kiện thời sự của năm 2010 là bôxít, thì “Mây biến thể” đặt vấn đề biến thái vì ô nhiễm ở một địa chỉ cụ thể, ở đó mục đích chính mà tác giả muốn đề cập là thái độ ứng xử với di sản.
Lần này, tác phẩm “Nấm hoàng đế” có chiều cao 15 m, được tạo dựng từ chất liệu chính là các vỏ lon bia. Mang hình dạng một tòa nhà cao tầng biến dạng thành một cây nấm quái dị, sáng chói màu ánh kim với sức vút vươn thẳng lên trời, tác phẩm đặt tại bờ sông Hương, gần chân cầu Tràng Tiền, vị trí được xem là mặt tiền trung tâm thành phố Huế đang có nhiều thay đổi vì có hàng loạt công trình xây dựng cao ốc đang mọc lên như nấm.
Triển lãm mỹ thuật trẻ Việt Nam năm 2013 với chủ đề “Năng lượng cố đô” do Câu lạc bộ Hoạ sĩ trẻ Huế đăng cai. Cuộc triển lãm do Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội hỗ trợ kinh phí, quy tụ 6 loại hình nghệ thuật như tranh, nghệ thuật sắp đặt, video arts, nghệ thuật trình diễn… Đây cũng là cuộc hội ngộ lớn của 55 hoạ sĩ, nghệ sĩ trẻ đến từ 17 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Hà Nội đến TP.HCM.
Theo họa sĩ trẻ Trần Tuấn, tác phẩm này sẽ tạo được hấp lực thị giác mạnh đối với cộng đồng vì kích cỡ lớn (tương đương với chiều cao của một tòa nhà 3 tầng). Có sự tương tác mạnh với công chúng vì vị trí đặt tác phẩm (ở ngay giao lộ trung tâm thành phố Huế) với tạo hình một tòa nhà biến thể vừa hài hòa, vừa tương phản với không gian đô thị chung quanh. Anh tâm sự: Mình chỉ mong muốn tạo sự thay đổi quan niệm của người Việt Nam về điêu khắc ngoài trời, không chỉ để tôn vinh cái đẹp, những danh nhân hay những chiến tích vĩ đại mà còn có khả năng tham gia một cách linh hoạt vào quá trình thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của xã hội bằng cách giải quyết những vấn đề cụ thể và có chính kiến, đa chiều.
Một mong muốn khác lớn lao hơn – theo tác giả, đó là thông qua việc trưng bày “Nấm hoàng đế” anh muốn đưa ra lời cảnh báo của những người trẻ cho các nhà quản lý về sự biến dạng của đô thị tại Huế. Bởi mọi người điều biết đến Huế từ lâu được biết đến là một thành phố nổi tiếng có phong cảnh, sông nước hiền hòa với nhiều dãy núi mềm mại viền quanh, dòng sông Hương xanh trong chảy qua cồn Dã Viên, cồn Hến và dải hệ thực vật hai bên bờ sông như là một sự ưu đãi hào phóng của thiên nhiên dành cho thành phố… Và theo lời họa sĩ trẻ Trần Tuấn, nếu mật độ xây dựng diễn ra như hiện nay thì một thời gian không xa nữa, từ 10 – 15 năm tới đô thị Huế sẽ bị biến dạng về quy hoạch, mật độ dân số quá tải kéo théo hàng loạt hệ lụy khác nữa.
Họa sĩ Trần Tuấn hi vọng “Nấm hoàng đế” sẽ thu hút sự quan tâm rộng rãi trong công chúng, đồng thời tác phẩm cũng sẽ mở ra một hướng đi mới cho nghệ thuật thị giác, biến những không gian cụ thể, những đề tài có tính thời sự, và những nguyên liệu có sẵn để thực hiện tác phẩm.
Hồ Ngọc Minh