Nhà máy tinh bột sắn xả thải độc: Sai phạm nghiêm trọng, chỉ phạt hành chính (!?)
Xử lý dứt điểm vụ xả thải của nhà máy tinh bột sắn Phong Điền
Xã hội Huế – Liên quan đến vụ NMTBS Thừa Thiên – Huế xả thải độc khiến đời sống và sản xuất của hàng trăm hộ dân xã Phong An (huyện Phong Điền) điêu đứng mà Báo NTNN và Dân Việt liên tục phản ánh, ngày 23.9, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế đã công bố kết quả phân tích các mẫu nước thải của nhà máy này. Cụ thể, kết quả phân tích mẫu nước thải của nhà máy được lấy vào ngày 20.8 vừa qua (khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt tại xã Phong An) cho thấy các tiêu chí vượt rất nhiều lần so với giới hạn theo quy chuẩn. Trong đó, độ màu trong nước thải vượt 12,6 lần mức cho phép, tổng chất rắn hòa tan vượt 5,37 lần, nhu cầu oxy sinh hóa vượt 2,87 lần, nhu cầu oxy hóa học vượt 1,54 lần, tổng nitơ vượt 2,13 lần, tổng phốt pho vượt 1,84 lần, hàm lượng cyanua vượt 3,94 lần…
Kết quả phân tích mẫu nước mặt trong khu vực Khe Mây của xã Phong An (cách điểm xả thải của nhà máy khoảng 50m) cũng cho thấy nguồn nước này bị ô nhiễm nặng. Trong đó, hàm lượng xianua và hàm lượng photphat trong nước đều vượt 12,45 lần so với giới hạn cho phép, tổng chất rắn hòa tan vượt 7,24 lần, nhu cầu oxy hóa vượt 5,8 lần…
Hành vi bức tử môi trường của NMTBS Thừa Thiên – Huế không chỉ diễn ra trong năm 2013 mà là cả một quá trình. Đơn cử như vào tháng 5.2012, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh lấy mẫu nước thải của nhà máy này để phân tích thì kết quả cho thấy nguồn nước thải này rất độc hại. Cụ thể, rất nhiều chỉ số của nước thải cao gấp rất nhiều lần so với mức cho phép, như độ màu vượt 29,76 lần, tổng chất rắn hòa tan vượt 4,86 lần, nhu cầu oxy sinh hóa vượt 6,82 lần, nhu cầu ô xy hóa học vượt 3,79 lần…
Phản đối hình thức xử lý
Hành vi “bức tử” môi trường của NMTBS Thừa Thiên – Huế đã rõ nhưng những động thái của cơ quan chức năng cho thấy nhà máy này đang được “nương tay”. Ông Nguyễn Việt Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, trước các vi phạm nêu trên, NMTBS Thừa Thiên – Huế sẽ bị xử phạt hành chính. Đơn vị của ông Hùng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, hướng dẫn nhà máy xử lý triệt để nguồn ô nhiễm, giải quyết kịp thời, dứt điểm các khiếu kiện của nhân dân…
Theo tìm hiểu của NTNN, vào tháng 5.2012, sau khi phát hiện Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế xả thải độc, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã yêu cầu nhà máy này đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này vẫn trong tình trạng xuống cấp, hiệu suất xử lý thấp, nước thải sau xử lý không đạt yêu cầu theo quy định.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân xã Phong An cho rằng hành vi hủy hoại môi trường của nhà máy này đã diễn ra trong thời gian dài, với mức độ nghiêm trọng, bất chấp ý kiến của người dân. Vì vậy, động thái của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh trước sai phạm của nhà máy khiến người dân không phục. “Ngoài xử phạt nghiêm khắc, cơ quan chức năng cần buộc nhà máy đóng cửa, khi nào bồi thường thỏa đáng cho người dân và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đúng quy định mới cho hoạt động trở lại” – nhiều người dân thôn Thượng An đề nghị.
Theo: An Sơn – danviet.vn