Nước mắm Huế xuất ngoại
Tin tức Huế – Giờ đây, nước mắm Huế đã “sánh vai” cùng nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết… không những có mặt khắp các chợ, siêu thị mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Tiếng thơm bay xa
Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở chế biến nước mắm Thành Vân ở xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết: “Không bằng lòng với những gì mình đang có, nước mắm Thành Vân không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm ở các Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội chợ Thương mại chất lượng cao Việt – Thái – Lào…Từ năm 2010 đến nay, đơn vị ký hợp đồng với các thương nhân nước bạn Lào 1.000 lít nước mắm/năm. Thời gian tới, cơ sở tiếp tục liên kết với các thương nhân trong và ngoài nước mở rộng và không ngừng tìm kiếm thị trường”. Tương tự, chị Trần Thị Gái, chủ cơ sở chế biến nước mắm ruốc Bà Gái ở xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết: “Năm 2010, cơ sở được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận về áp dụng GMP, GHP và các nguyên tắc chung HACCP (Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, cơ sở sản xuất khoảng 15.000 lít nước mắm/năm; doanh thu trên 200 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm làm ra không những tiêu thụ ở các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, mà còn xuất khẩu sang nước Lào”.
Nước mắm Liên Hoa, ở Phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy ra đời từ năm 1992. Hàng năm, cơ sở sản xuất bình quân 26.000 lít nước mắm cá và nước mắm cốt ruốc, với nhiều mẫu mã bắt mắt và giá thành khác nhau. Nước mắm Liên Hoa còn tạo ra mùi hương, màu sắc đặc trưng của nước mắm Huế đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, bằng cách cải tiến quy trình công nghệ trên cơ sở phương pháp cổ truyền. Có nhiều sản phẩm và giá cả khác nhau để có thể cung cấp được các khách hàng khó tính nhất và sản phẩm rẻ tiền để phục vụ khách hàng khó khăn về kinh tế. Ông Lương Văn Thịnh, chủ cơ sở chế biến nước mắm Liên Hoa cho biết: “Vấn đề mà đơn vị luôn đặt lên hàng đầu đó là chất lượng và uy tín. Doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã bao bì bắt mắt… tạo niềm tin, chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng và cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm khác”.
Không ngừng mở rộng thị trường
Ông Lê Văn Bình, Chi cục Phó Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết: “Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 400 cơ sở chế biến nước mắm nằm rải rác ở các huyện Phong Điền, Phú Vang, thành phố Huế… Mặc dù, hàng năm Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản tổ chức các đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở nhưng do sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ nên đến nay đơn vị chỉ cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho khoảng 100/400 cơ sở sản xuất; 20 cơ sở được xây dựng nhãn mác. Để nước mắm Huế tiến xa hơn rất cần sự chung tay của các cơ quan ban ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở chế biến nước mắm đầu tư mở rộng sản xuất và tiến dần đến việc xây dựng thương hiệu trong thời gian sớm nhất.
Do chưa có kinh nghiệm, nên thời gian đầu, cơ sở chế biến nước mắm Đảnh Vân ở xã Phong Hải (Phong Điền) gặp khó khăn trong việc chế biến, nước mắm làm ra chỉ sau một thời gian ngắn bốc mùi hôi khó chịu. Sau đó, nhờ các kỹ sư ngành thủy sản hướng dẫn về kỹ thuật chế biến, bảo quản… mới thành công được như ngày hôm nay. Nước mắm Đảnh Vân được ngành y tế và Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh đánh giá là sản phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2011, cơ sở sản xuất 180.000 lít, năm 2012 sản xuất trên 200.000 lít nước mắm các loại, tiêu thụ mạnh ở thị trường thành phố Huế, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, Đà Nẵng… Bà Hồ Thị Vân, chủ cơ sở chế biến nước mắm Đảnh Vân cho biết: “Dù có mở rộng sản xuất, khách hàng có đông đến mấy nhưng chúng tôi vẫn đặt chất lượng lên hàng đầu, luôn giữ nét đặc trưng riêng của mình. Nét đặc trưng riêng và ngày càng nâng cao chất lượng có nghĩa là giữ được thương hiệu”. Nhờ sản xuất có hiệu quả, cơ sở đã giải quyết đáng kể số lượng lao động ở địa phương; đặc biệt vào giai đoạn mùa cá, có hơn 30 lao động tham gia chế biến, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với giải quyết lao động, cơ sở nước mắm Đảnh Vân cũng góp phần tiêu thụ một số lượng lớn sản phẩm đánh bắt cho người dân địa phương, với bình quân mỗi năm tiêu thụ trên 100 tấn cá các loại.Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thực khách, giải quyết lao động ở địa phương và tiêu thụ sản phẩm đánh bắt cho bà con ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá, gần đây, các cơ sở chế biến nước mắm trên địa bàn tỉnh không ngừng liên kết với các đại lý ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các nước Lào, Thái Lan để chào hàng và mở rộng thị trường. Từ khi có thương hiệu, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó.
Từ những cơ sở sản xuất nước mắm nhỏ lẻ, giờ đây, các cơ sở chế biến nước mắm Thành Vân, Liên Hoa, Đảnh Vân… đã xây dựng thương hiệu và có mặt khắp nơi trên thị trường. Hy vọng, với phương châm luôn đặt chữ tín và nâng cao chất lượng lên hàng đầu, nước mắm Huế sẽ được nhiều thực khách trong và ngoài nước biết đến, khẳng định vị trí của mình trên thương trường.
Nguồn: Minh Hằng (Báo Thừa Thiên Huế) – khamphahue.com.vn