Phẫu thuật u tuyến yên thành công
Xã hội Huế – Ngày 7/3/2013, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận một bệnh nhân tên là Nguyễn Thuận Thành, 27 tuổi, người Quảng Bình. Nguyễn Thuận Thành đau đầu dai dẳng đã gần một năm. Bệnh nhân đã đi khám, chữa nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Trước khi đến Bệnh viện Trung ương Huế, ngoài đau đầu, bệnh nhân có triệu chứng mắt nhìn mờ, mắt trái thị lực 2/10, mắt phải thị lực 8/10. Khám thị trường bị thu hẹp phía thái dương hai bên.
Nhập viện, Nguyễn Thuận Thành được bác sĩ chuyên khoa ngoại Bệnh viện Trung ương Huế phát hiện bị u tuyến yên. Khối u kích thước khá lớn, xâm nhập vào xoang bướm, chèn vào giao thoa thị giác, do vậy làm giảm thị lực của bệnh nhân.
Xét về chức năng, tuyến yên là một tuyến nhỏ, kích thước khoảng bằng hạt đậu nằm ở đáy sọ nhưng có chức năng vô cùng quan trọng đối với cơ thể, điều hòa hoạt động của các tuyến nội tiết và ngoại tiết, bao gồm phát triển sinh lý, hoạt động sinh sản, các hoạt động chuyển hóa và cân bằng điện giải của cơ thể.
Triệu chứng do khối u tuyến yên phát triển chèn vào các cơ quan lân cận như: đau đầu dai dẳng ở vùng trán ít đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường, nôn hoặc buồn nôn vào buổi sáng, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, thị trường thu hẹp do khối u chèn vào giao thoa thị giác. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể mù cả hai mắt do dây thần kinh thị giác đã bị teo nhỏ, mất chức năng. Trong trường hợp u tuyến yên xuất huyết cấp gây hoại tử tuyến yên sẽ dẫn đến tình trạng hôn mê gây tử vong rất nhanh gọi là hội chứng ngập máu tuyến yên. Tùy theo từng loại u tuyến yên mà bệnh nhân có thể có một trong hai triệu chứng nói trên hoặc kết hợp cả 2 triệu chứng.
Về các phương tiện chẩn đoán hiện đại, ngày nay việc chẩn đoán u tuyến yên khá dễ dàng. Tuy nhiên, do bản chất lành tính, tốc độ phát triển khá chậm, đặc biệt nhóm bệnh nhân có u tuyến yên loại không chức năng, bệnh nhân đến khám khá muộn. Thông thường các triệu chứng về thị lực khá nặng nề: giảm thị lực, nhìn đôi, sụp mí, thậm chí đã mù hẳn. Khi nghĩ đến tuyến yên, bệnh nhân được làm các xét nghiệm định lượng hormon máu, khám thị lực, thị trường. Và tiêu chuẩn vàng là chụp cộng hưởng có tiêm thuốc cản từ tĩnh mạch. Chụp cộng hưởng từ không chỉ giúp cho chẩn đoán xác định mà còn giúp cho việc đánh giá kích thước khối u, các cấu trúc giải phẫu lân cận khối u. Đây là yếu tố quyết định trong chiến lược điều trị tuyến yên.
Bệnh viện Trung ương Huế thời gian gần đây đã thực hiện thành công lấy u tuyến yên vi phẫu qua xoang bướm. Với bệnh nhân Nguyễn Thuận Thành, khám thị trường thu hẹp phía thái dương hai bên, bác sĩ chuyên khoa đã phát hiện u tuyến yên có kích thước lớn, xâm nhập xoang bướm và có hình ảnh chèn vào giao thoa thị giác trên hình ảnh cộng hưởng từ. Xét nghiệm các hormon trong giới hạn bình thường.
Với chẩn đoán u tuyến yên của bệnh nhân Nguyễn Thuận Thành là loại không chức năng, bệnh nhân được lên kế hoạch phẫu thuật lấy u vi phẫu qua xoang bướm. Sau 2 giờ phẫu thuật cho bệnh nhân, kết quả phẫu thuật thành công. Khối u được lấy bỏ hoàn toàn mà không có tai biến xảy ra, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn sau phẫu thuật, thị lực cải thiện rõ rệt, không có biến chứng phẫu thuật.
Hiện tại, bệnh nhân đã trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường, ngày 28/3/2013, bệnh nhân đã ra viện với niềm vui hồ hởi.
Tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Trung ương Huế, lấy u tuyến yên vi phẫu qua xoang bướm là kỹ thuật được lựa chọn hàng đầu hiện nay do tính hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân, được bệnh nhân tin tưởng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn