Xã hội Huế

Ra khơi mùa biển động

Xã hội Huế –  Cuối năm, mùa sóng dữ nhưng ngư dân các xã ven biển huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) vẫn đẩy thuyền vượt sóng ra khơi vì cá tôm mùa này thường nặng lưới.
5 giờ sáng, chúng tôi có mặt ở vùng ven biển xã Vinh An và Vinh Thanh (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) khi sương mù còn phủ dày đặc. Cái rét mùa đông kèm theo những bụi sóng phả vào bờ làm cho cái lạnh buốt đến tận xương. Dọc bờ biển, những cột sóng cuộn tròn cao 4-5 m đánh vào bờ, bọt biển tung trắng xóa cả một vùng. Nhưng những ngư dân ở đây lại tập trung chật kín để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mùa biển động…
Trầy trật đạp sóng ra khơi
Ông Nguyễn Duân ở xã Vinh An, người cả đời gắn bó với biển, nói: “Đa số những chiếc ghe của ngư dân có công suất 8-15 mã lực thường đánh bắt cách bờ chừng 10-15 hải lý nên đi về trong ngày. Ghe nhỏ đi hai người, ghe lớn bốn người, họ chủ yếu là anh em hoặc người thân… Mỗi chuyến ra khơi mùa biển động luôn được ngư dân chúng tôi chuẩn bị kỹ, lương thực và dầu phải đảm bảo ít nhất hai ngày để đề phòng lúc sóng lớn không thể quay lại bờ thì chúng tôi chạy vào vùng biển Đà Nẵng trú ẩn”.
Nói xong, ông Duân vội xếp lưới và chuyển dầu, cơm nắm, bánh mì lên ghe rồi ra hiệu cho hai bạn ghe (người đi cùng thuyền) lắp chân vịt. Khi đủ vật dụng cho chuyến ra khơi, ông Duân hô lớn: “Lên đường”, cả nhóm xúm lại đỡ chiếc ghe tiến dần ra mép biển.
Ông Duân và hai người nhảy bổ lên ghe, giơ cao tay chèo ra hiệu vượt sóng. Ghe ông liên tục bị sóng hất tung lên rồi ném xuống như một trò chơi của biển cả. Có lúc sóng đẩy mũi ghe quay vào bờ, ông và hai bạn ghe nhanh nhẹn dùng tay chèo đẩy mũi ghe quay lại phía biển và cho nổ máy. Ông Duân cho thuyền lách qua những cột sóng cuối cùng, khi tưởng chừng đã thoát thì bỗng sóng biển chồm lên nuốt trọn chiếc ghe. Ông Duân và hai người liền nhảy ra khỏi ghe và ra hiệu cho những ngư dân trên bờ ra biển trợ giúp kéo chiếc ghe và người vào.

Sau gần 20 phút vật lộn với sóng, cuối cùng chiếc ghe và người cũng vào bờ an toàn. Bà Nguyễn Thị Bình (vợ ông Duân) đứng trên bờ thở dài: “May mà ghe gần bờ, nếu xa không biết chuyện gì sẽ xảy ra vì hôm nay sóng dữ và lạnh”.
Món quà của biển
Chứng kiến chiếc ghe của ông Duân bị sóng đánh, nhiều ngư dân trên bờ vẫn không ai có ý định bỏ cuộc. Họ vẫn tiếp tục đẩy ghe ra biển.
Ông Nguyễn Tuấn ở xã Vinh An cho biết mùa này biển động nên những cuộc vượt sóng ra khơi bất thành là chuyện thường gặp. “Không ít lần năm ghe cùng xuất phát nhưng chỉ có một ghe ra được, còn lại bị sóng đánh dạt vào bờ hết. Những lần như vậy ngư dân rất thiệt hại vì hỏng máy và có khi còn mất lưới nữa. Dẫu biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc nhưng vì miếng cơm nên họ phải liều mình vậy thôi” – ông Tuấn nói xong lại đẩy chiếc ghe mình ra biển rồi chèo nhanh ra xa. Lần này ông đã may mắn hơn so với các ngư dân vì đã chiến thắng được những cột sóng dữ gần bờ và trước mắt ông là một hy vọng từ biển.
Mùa biển động cũng là thời điểm cá nhiều, ngư dân thường gọi đây là “quà tết” từ biển cả nên không ít người trông chờ vào những mẻ cá đầy. Vì vậy, bất chấp sóng to gió lớn, bà con ngư dân vẫn quyết tâm đẩy ghe ra biển. Bù lại, khi đã vượt sóng ra xa, khi quay về bờ, ghe thuyền ai cũng cá tôm đầy ắp.
Buổi chiều, ghe ông Nguyễn Kinh ở xã Vinh An vừa cập bờ, bà Thúy (vợ ông) liền chạy ra tận mép biển đon đả: “Được nhiều không ông?”. Ông Kinh vẻ mặt hớn hở chỉ tay vào ghe, bà Thúy vừa nhìn đã hét toáng lên vì vui sướng: Lần ra khơi này khoang ghe chồng bà đầy cá, ghẹ, tôm…
Đẩy thuyền vượt sóng ra khơi.

Nụ cười rạng rỡ của ngư dân Vinh An – Vinh Thanh (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) trước “quà của biển”. Ảnh trong bài: VIẾT LONG
Không giấu sự phấn khích, ông Kinh tiết lộ: “Mẻ cá này khoảng 2 triệu đồng, trừ chi phí mỗi người được 500.000 đồng. Mùa này đi biển có nhiều người thắng lớn. Năm ngoái tôi đi nhiều chuyến thuận lợi, kiếm được gần 80 triệu đồng, toàn bộ tiền tu sửa nhà cửa. Năm này tôi cũng kiếm được khá, chỉ sợ gặp sóng dữ ghe chìm hoặc mất lưới giữa biển thì đói thôi”.
Cách đó không xa, ghe anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Vinh Thanh đã vào bờ. Chuyển từng mẻ cá đầy cho vợ, anh Hưng như quên hết mệt mỏi: “Hôm nay ra khơi buông lưới trúng ngay đàn cá, tôi lập tức vào bờ để vợ đi chợ bán cho được giá rồi lấy thêm dầu ra khơi. Cuối năm rồi, anh em cũng muốn kiếm thêm tiền chuẩn bị đón tết”.
Và những hiểm nguy rình rập
Theo anh Hưng, đánh cá mùa biển động dù cá tôm khá hơn nhưng rủi ro cũng không ít. “Nhưng đó là chuyện thường của đời ngư phủ. Đã chấp nhận gắn liền với biển thì khó khăn, nguy hiểm cũng phải vượt qua thôi”.
Ông Nguyễn Văn Nhân ở xã Vinh Thanh nhớ lại: “Hôm đó trời nắng nhẹ, tôi và hai bạn ghe ra khơi đánh cá, lúc cách bờ khoảng 10 hải lý thì chúng tôi dừng lại buông lưới. Trong lúc chờ để gỡ mẻ lưới thứ nhất thì bỗng nhiên trời tối sầm lại, mặt biển bất chợt nổi sóng. Anh em chúng tôi vội thu lưới nhưng không kịp đành bỏ lưới giữa biển và cho ghe tháo chạy vào bờ. Sóng gió mù trời, tôi không còn xác định phương hướng. Bất thần, một cột sóng cao chồm lên đánh gãy thành ghe. Nước bắt đầu tràn vào. Anh em giữ chặt thành ghe, tôi nhắm mắt nhấn hết ga tìm đường chạy vào bờ. Khi thấy được bờ cũng là lúc ghe bắt đầu chìm…”.
Từng đối diện với cái chết, ông Nguyễn Kinh kể: “Mới cuối tháng 12-2012 này, anh em chúng tôi suýt bỏ mạng ngoài biển. Hôm đó trên đường vào bờ thì ghe tôi chết máy, anh em phải chèo. Nhưng do sóng to nên nước tràn vào khiến ghe chìm dần. Chúng tôi nhảy xuống bám lấy ghe, trời rét chân tay tê cứng. Trong lúc hy vọng đang tắt dần thì được chiếc ghe của anh Quất đến cứu”.
Kém may mắn hơn, hai cha con ông Huỳnh Ngộ ở xã Vinh An cùng anh Nguyễn Hiền (bạn ghe) đi đánh cá vào những ngày đầu năm 2011, khi cách bờ khoảng 100 m thì ghe bị sóng đánh chìm. Anh Huỳnh Hùng (con trai ông Ngộ) vội dìu cha mình bơi vào, khi cách bờ khoảng 20 m thì ông Ngộ bảo anh Hùng để ông tự vào. Anh Hùng tiếp tục quay ra cứu anh Hiền. “Lúc đưa được anh Hiền vào bờ thì tôi không thấy cha đâu nữa. Tôi tìm mãi nhưng không thấy, đến trưa thì phát hiện xác cha trên biển…”. Giọng anh Hùng nghẹn lại: “Cha tôi đi biển từ khi 18 tuổi, bị sóng biển quật không biết bao nhiêu lần nhưng lần nào ông cũng thoát nạn. Vậy mà hôm ấy biển đã cướp mất cha tôi…”.
Bà Văn Thị Yến, mẹ anh Hùng, nói như khóc: “Khi chồng tôi còn sống, tôi nói với ông thôi kiếm nghề gì mà làm khi về già, ông ấy bảo ráng đi hết năm nữa sẽ nghỉ chứ giờ mà nghỉ ngang thì lấy gì ăn. Vậy mà… Giờ thằng Hùng vẫn cứ theo nghề cha nó, lúc nào biển động tôi bảo con đừng có đi nhưng vì cuộc sống khó khăn nên nó không chịu nghe. Đời ngư phủ là vậy, mùa biển động năm nào cũng có một, hai người bỏ mạng ngoài khơi. Biển kêu ai, người đó dạ chứ chẳng biết đâu mà lần…”.

Nguồn: VIết  Long – baomoi.com

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button