Sống khổ trong vùng sạt lở
Xã hội Huế – Hơn 700 hộ dân của hai xã ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền, tỉnh TT-Huế) phải sống trong vùng biển xâm thực nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng cũng như tài sản. Trong khi đó, các khu tái định cư (TĐC) đã hình thành nhưng ít phát huy được tác dụng vì thiếu kinh phí xây dựng hạ tầng.
Đi cũng dở, ở không xong
Tại xã Quảng Công, theo thống kê của UBND xã, hiện có hơn 600 hộ dân tập trung ở 4 thôn Cương Giáng, Hải Thành, Tân Thành, An Lộc phải sống trong vùng ảnh hưởng của sạt lở biển, trong đó có hơn 300 hộ dân có nguy cơ rất cao, cách mép biển dưới mức an toàn.
Ông Hồ Côi (71 tuổi, ở thôn Tân Thành) cho biết: “Đời tôi bám biển đã ngót 50 năm thì cũng đã chuyển nhà đến 3 lần. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, biển xâm thực vào đất liền dữ dội, ăn sâu vào tận vườn nhà. Ngày xưa, nhà tôi cách biển mấy trăm mét, nhưng giờ biển đã ngốn hết hàng phi lao, sắp ăn vô tới vườn nhà rồi.” Nhiều lão ngư ở vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn cho biết, từ 10 – 15 năm trở lại đây, vùng biển đã xâm thực vào đất liền trên 100m, trải dài hơn 10km, nhiều nơi bà con liên tục chuyển nhà vì bị sóng “đuổi”. “Sao ông không chuyển nhà đi vào khu TĐC?” – tôi hỏi. Ông Côi ngậm ngùi: “Chết ai mà không sợ hả chú. Nhưng vào đó xa biển quá, điện, nước thì chưa có, nhà nước cho như năm nay chỉ được 24,5 triệu đồng, chừng đó tiền chưa đủ làm cái… móng nhà nữa. Vả lại, muốn dân vào TĐC thì phải có khu bãi để ghe thuyền đậu an toàn, khi có bão thì kéo lên, dân mới an tâm được chứ”.
Ông Lê Nguyên Sỹ – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết: “Trong 300 hộ dân bị ảnh hưởng nặng bởi sạt lở ở thôn Tân Thành và An Lộc đến nay chỉ mới có 113 hộ dân chịu di dời vào khu TĐC. Nói là 113 hộ dân chứ thực chất cũng chỉ có 64 hộ vào ở mà thôi, bởi nhiều gia đình còn gặp khó khăn về kinh tế, họ chấp nhận bám biển chưa thể vào được. Những năm trước, những hộ dân vào ở được hỗ trợ 10 triệu đồng, năm 2013 được hỗ trợ 24,5 triệu đồng cùng đất ở 390 m2. Tuy nhiên, số tiền đó chỉ mới đủ cho các hộ dân “vận chuyển” vật liệu, ngư cụ vào mà thôi, do thiếu kinh phí nên các khu TĐC chưa hoàn thiện về mặt hạ tầng, điện, nước nên việc vào ở bà con rất khó khăn.”
Tại xã Quảng Ngạn sạt lở biển cũng đang đe dọa đến 5 thôn trên địa bàn xã với gần 100 hộ dân. Đến nay, khu TĐC chỉ có 50 hộ dân vào ở, số còn lại do còn vướng mắc nhiều khó khăn nên đành cắn răng bám biển, phấp phỏng trước mùa mưa bão.
Cần bố trí kinh phí
Ông Lê Nguyên Sỹ cho hay: “Trước hết, để bà con an tâm vào ở thì cần hoàn thiện hệ thống điện, nước, đường sá ở các khu TĐC. Bởi từ chỗ ở cũ của bà con lên chỗ mới khá xa, bình quân cách 200m, không thể kéo nước, điện lên được. Thứ hai, phải xây dựng khu vực bến bãi đậu ghe thuyền, khoảng cách với mép biển an toàn, để khi mưa bão, bà con có thể đưa thuyền lên chằng chống, trú ẩn. Để thực hiện được các bãi đậu ghe thuyền ở 4 thôn cần ít nhất là 60 triệu đồng.”
Hiện ở Quảng Công, khu TĐC Hải Thành chỉ mới có một trục đường, chưa có điện nước; khu TĐC An Lộc, Tân Thành thì thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng. Ở đây đã bố trí 160 lô đất, còn 54 lô nữa chưa san được mặt bằng, đất đai còn nhiều mồ mả. “Theo tính toán, để hoàn thiện về thiết chế hạ tầng, điện, nước cũng như công tác giải phóng mặt bằng địa phương cần kinh phí khoảng gần 12 tỷ đồng mới giải quyết được. Nguồn kinh phí khó khăn chính là cản trở lớn nhất đến việc hoàn thiện khu TĐC để người dân có thể an tâm vào ở trước mùa mưa bão”- ông Sỹ kiến nghị.
Tại địa phương Quảng Ngạn, khu TĐC cho người dân sạt lở vên biển vẫn chưa nên “hình hài” khi hệ thống điện, nước chưa có, người dân vào ở rất khổ sở, nhiều người vào ở một thời gian rồi quay về chổ cũ vì đi lại, đánh bắt nghề cá quá bất tiện.
Nguồn: nongnghiep.vn