Thừa Thiên – Huế trồng 20 ha rừng ngập mặn trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai
Xã hội Huế – Sau hơn 1 năm triển khai dự án xây dựng vườn ươm cây ngập mặn, đến nay tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ươm thành công gần 23.000 cây con các loại gồm: đước, vòi, vẹt khang, sú, bần, mắm, cây phát triển rất tốt, tỷ lệ cây gieo ươm sống đạt khá cao với tỉ lệ 83%. Đây là dự án do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tài trợ hơn 700 triệu đồng giúp tỉnh Thừa Thiên – Huế trồng rừng trên diện tích 300 m2 (từ tháng 8/2012 – 7/2014).
Dự tính trong năm nay, số cây ngập mặn này sẽ trồng trên diện tích khoảng 20 ha; trong đó trồng 11.000 cây tập trung để phát triển thêm diện tích rú chá; số còn lại trồng phân tán để bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng đất dễ bị xói lở và thiết lập trồng từ 5 -7 ha trên diện tích ao nuôi thủy sản sinh thái…
Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã thực hiện đề tài khoa học “Tăng cường rừng ngập mặn nhằm góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển của tỉnh Thừa Thiên – Huế”. Dự án tập trung nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm trồng phục hồi cây ngập mặn tại Tân Mỹ (huyện Phú Vang) và phía Tây đầm Lập An (huyện Phú Lộc), để có những cứ liệu chính xác cho việc mở rộng tái tạo phục hồi rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Việt Hùng cho biết, tỉnh đang nỗ lực phục hồi diện tích rừng ngập mặn trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai tạo thành bức tường xanh có tác dụng phòng hộ trước gió và sóng biển. Trước mắt, việc hình thành các khu rừng ngập mặn trồng dọc theo bờ phá Tam Giang – Cầu Hai sẽ là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ ấu trùng, cung cấp thức ăn, góp phần hình thành nên các bãi giống, bãi để tự nhiên cho các loài thủy sản. Nếu được mở rộng, rừng ngập mặn còn có vai trò rất lớn trong việc điều hòa nhiệt độ, giúp cân bằng sinh thái trước những biến đổi phức tạp của môi trường.
Theo nghiên cứu từ kết quả sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), Thừa Thiên – Huế là địa phương vốn có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, với hơn 22.000 ha diện tích mặt nước đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn trong toàn bộ khu vực này chỉ còn chưa đầy 8ha, chủ yếu chỉ còn ở rừng ngập mặn rú chá Hương Phong (huyện Hương Trà); Cảnh Dương (huyện Phú Lộc); Tân Mỹ (huyện Phú Vang); đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô), nên rất cần được đầu tư mở rộng hơn nữa trong thời gian tới…/.
Theo: Quốc Việt – danviet.vn