Văn hóa Huế

Người lưu giữ tiếng đàn cổ Pa Hy

Văn hóa Huế – Không muốn tiếng đàn cổ xưa của dân tộc Pa Hy có từ ngàn đời bị thất truyền, bà Hồ Thị Hương (55 tuổi), trú ở bản Hạ Long, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, đã cố gắng tìm cách phục dựng lại tiếng đàn cổ…
Hàng trăm năm qua, cây đàn “tâm-prảy” được làm từ gỗ chò quý hiếm giữa rừng già Trường Sơn đã trở thành người bạn thân thiết của người dân tộc Pa Hy trong ngày hội hay mỗi lần lên nương, rẫy. Đàn có cấu tạo nhỏ gọn, đặc biệt dây đàn chỉ có 2 sợi làm từ dây gấc và 5 phím đàn…
Vừa gảy cho tôi nghe một đoạn trong bài hát “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư” từ chiếc đàn tâm-prảy, bà Hồ Thị Hương tâm sự: “Đàn tâm-prảy được thiết kế nhỏ gọn, mộc mạc như chính tấm lòng của người Pa Hy. Người Pa Hy luôn mang theo cây đàn này bên mình vì nó là món ăn tinh thần không thể thiếu sau mỗi lần làm việc mệt nhọc”.
Cũng như nhiều loại đàn cổ khác của người Pa Hy đã bị thất truyền, đàn tâm-prảy thường được ít người biết đến vì nó chỉ được những người già hay trưởng bản Hạ Long chơi vào các dịp lễ hội. Thế nhưng mới đây, đàn tâm-prảy đã có dịp được giới thiệu rộng rãi đến với công chúng khi tình cờ, một cán bộ ngành Văn hóa Thông tin huyện đã nghe được tiếng đàn thánh thót do bà Hương đàn. Và, bà đã được mời biểu diễn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số vừa được tổ chức tại A Lưới.

Bà Hồ Thị Hương bên đàn cổ.

“Tâm-prảy thường được trai gái trong bản dùng để hát giao duyên và bày tỏ nỗi lòng đó chú. Vào những đêm trăng sáng, nam thanh nữ tú ở Hạ Long ngồi bên nhau tâm tình và gảy đàn cho nhau nghe. Con gái gảy tâm-prảy còn con trai thổi khèn. Và nhờ tiếng đàn này mà vợ chồng tui đã nên duyên vợ chồng”, bà Hương trải lòng.
Ông Trần Ngọc Thêm, chồng bà Hương được biết đến như là một trong số ít những người còn lại ở bản Hạ Long có thể đục đẽo gỗ chò để chế tạo nên đàn tâm-prảy. Ông Thêm nhớ lại, trong những ngày tháng băng rừng Trường Sơn đi tiếp tế lương thực cho bộ đội, dù không phải là dân văn công nhưng trai gái Pa Hy ngày ấy đều có một chiếc đàn tâm-prảy trong gùi và đều biết gảy đàn. Để tiếng đàn cổ của dân tộc không bị thất truyền, vợ chồng bà Hương và một số ít những người già dân tộc Pa Hy biết chơi đàn tâm-prảy đã cố gắng truyền dạy lại cho con cháu mình cách gảy và làm loại đàn cổ này.
Bà Hương nói rằng, nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời thì có lẽ tiếng đàn tâm-prảy nay mai sẽ không còn ngân vang giữa bản làng, núi rừng hay trong các ngày hội vui của người Pa Hy nữa.
“Ngoài đàn tâm-prảy thì các loại đàn môi như: Tirel và Arèng, đàn Abel, đàn Un Craor của người Pa Hy cũng đang dần bị mai một vì người trẻ không chịu học đàn, làm đàn như trước. Nhiều lần họp bản, chúng tôi đã đề xuất với trưởng bản và chính quyền nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp khắc phục. Tui chỉ lo rằng, sau này những người già trong bản mất đi thì những tiếng đàn cổ cũng sẽ dần mất theo, bản sắc văn hóa của người Pa Hy cũng từ đó mà mất đi vẻ truyền thống”, bà Hương đau đáu nỗi lòng.

Nguồn: cand.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button